Nỗi sợ và thuyết con chó
- Cham Cham
- Mar 16, 2024
- 4 min read
Khi bé mình rất thích chơi trò “trốn tìm”, và luôn muốn được làm vai trốn thay vì vai tìm. Nhưng khi lớn lên mình lại hạn chế dùng từ “chạy trốn” hay “trốn chạy”. Vì mình nhận ra mong muốn chạy trốn bất cứ điều gì trong cuộc sống này là không khả thi, đặc biệt là chạy trốn khỏi nỗi sợ hãi. Nỗi sợ có một sức mạnh ghê gớm, nó thích ám ảnh bạn, biết chạy theo bạn đến khi nào bạn hết sợ nó mới thôi.

Trong gia đình mình lưu truyền một triết lý mà mẹ mình đặt tên là “thuyết con chó”. Nhiều người cho rằng khi bạn bị chó rượt, mà sợ hãi bỏ chạy thì bạn tiêu đời, con chó đó sẽ đuổi cắn bạn cho đến cùng. Ngược lại nếu bạn tỏ ra không sợ hãi mà chạy đuổi về phía nó. Nó sẽ sợ hãi và bỏ chạy vì nghỉ bạn to lớn mạnh mẽ hơn. Mình thường áp dụng “thuyết con chó” này vào vài khía cạnh cuộc sống. Ví dụ, trong tình yêu, nếu bạn cứ vồ vập nhắn tin tán tỉnh crush thì người ta sẽ phớt lờ bạn vì nghĩ bạn đã bị chinh phục, ngược lại nếu bạn không thèm vồ vập hỏi han tán tỉnh, lâu lâu thả miếng mỡ bật chút đèn xanh, thì cứ chờ xem, người kia sẽ chạy loạn lên mà tìm bạn.
Angelina Jolie đã từng chia sẽ về nỗi sợ hãi trong một cuộc phỏng vấn. Nữ diễn viên cá tính và tài năng cho rằng: cách duy nhất để vượt qua bóng tối của nỗi sợ hãi, chính là đi xuyên qua nó. Bạn sẽ đau đớn, sẽ khổ sở. Nhưng chỉ có duy nhất cách đó. Hãy đi xuyên qua nó, rồi chính bạn sẽ nhận ra, mình đã vượt qua từ khi nào, và nỗi sợ đó sẽ chẳng còn là nỗi sợ nữa. Ngược lại, nếu bạn không vượt qua, thì điều đó sẽ mãi mãi là nỗi sợ trong lòng bạn và sẽ luôn quay trở lại.

Nhưng mấy ai dám đối đầu với khó khăn, với nỗi sợ của mình. Ngược lại, nếu bạn chú ý, ngay trong chính cơ thể chúng ta đã có sẵn cơ chế trốn tránh các nỗi sợ, nguy cơ, khó khăn. Bạn có nhận thấy trước mỗi kỳ thi, hay phỏng vấn mà ta cảm thấy không đủ tự tin, thì cơ thể thường xuất hiện những dấu hiệu như bụng dạ cồn cào, lên cơn đau bụng nhẹ, muốn đi toilet? Các nhà khoa học cho rằng: điều này là do những ADN mà chúng ta được kế thừa từ cha ông tổ tiên thời tiền sử, khi cơ thể phải lên cơ chế phòng vệ trước những nguy hiểm rình rập trong quá trình săn mồi nơi rừng sâu, sống trong điều kiện khắc nghiệt để giúp chúng ta tồn tại.
Nhưng những khó khăn, sợ hãi thời hiện đại phức tạp và đa dạng hơn thời tiền sử. Chúng ta không còn săn mồi trong rừng sâu nữa, thay vào đó, ta tìm kiếm kế sinh nhai trong những văn phòng tòa nhà cao tầng, những nhà máy xí nghiệp, những chuyến bay xuyên lục địa, những chuyến tàu vượt đại dương, thậm chí vượt khỏi ranh giới của địa cầu ra vũ trụ. Cách chúng ta đối mặt và vượt qua nỗi sợ hãi giúp chúng ta tiến hóa, phát triển, nâng cấp, ít nhất là đối với bản thể cũ của ta hôm qua.
Và đó là cách duy nhất...
Tôi trốn chạy tình yêu, nhưng tình yêu luôn tìm cách quay trở lại.
Tôi trốn chạy việc học ngoại ngữ, nhưng rồi vẫn phải học, vì không thể tìm được việc làm tốt như ý.
Tôi trốn chạy việc kiếm tiền, nhưng những hóa đơn thanh toán cứ liên tục tìm đến.
---
Năm 18 tuổi, mình chọn thi Đại học khối D vì yêu thích môn Văn. Mình học tất cả các bài văn thơ trong sách, ngoại trừ bài thơ “Tiếng Đàn Ghi-ta của Lorca” vì không thích, vì bài thơ quá trừu tượng và khó hiểu cho một thiếu niên 18 tuổi. Các giáo viên đều cho rằng đề Văn sẽ không ra bài thơ này vì nó quá khó. Kết quả là bài thơ này đã xuất hiện và điểm thi Văn của mình năm đó rất thấp.
Năm 22 tuổi, định mệnh lại bắt mình thi lại đại học khối D một lần nữa. Mình vẫn tiếp tục tư duy chạy trốn đó. Chỉ học văn xuôi mà không ôn luyện thơ. Kết quả 2/3 đề Văn đều ra thơ. Bất ngờ hơn, sau 4 năm nỗi sợ hãi đó vẫn quay trở lại: Tiếng Đàn Ghi-ta của Lorca lại xuất hiện.
May mắn là sau 4 năm, dù không ôn luyện nhưng sự hiểu biết và khả năng văn chương vẫn tốt hơn năm 18 tuổi. Mình đã vượt qua bài thơ đó với kết quả điểm Văn trên 7. Mình đậu đại học. Và từ đó đến nay 10 năm rồi mình vẫn chưa bao giờ gặp lại Tiếng đàn guita của Lorca lần nào nữa.
“chàng ném lá bùa cô gái di-gan vào xoáy nước
chàng ném trái tim mình vào lặng yên bất chợt
li-la li-la li-la...”
Trích Đàn ghi-ta của Lorca
Comentarios